Hiện tại Tổ ong Adventure đã có website phiên bản mới, để tăng trải nghiệm sử dụng, truy cập Tại Đây

Tổ Ong Adventure

dung-bang-y-te-de-xu-ly-nhung-vet-thuong

Kỹ năng sơ cứu căn bản cho chuyến hiking trọn vẹn

Thiên nhiên ẩn chứa vô vàn điều kỳ thú mà không một ngôn từ nào có thể lột tả hết được. Sự bí ẩn ấy có một sức hấp dẫn mãnh liệt đối với con người, đặc biệt là những ai ưa thích khám phá. Những chuyến đi trở về với thiên nhiên rất được lòng các hiker. Đây là cơ hội để các bạn thỏa sức ngắm nhìn sự kì vĩ của tự nhiên và thỏa mãn đam mê chinh phục của bản thân. Tuy nhiên, để có một chuyến đi an toàn nhất, bạn nên bỏ túi cho mình những kỹ năng sơ cứu căn bản. Hôm nay, Tổ Ong sẽ chia sẻ một số kỹ năng sơ cứu mà bạn cần biết khi hiking nhé.

Bỏ túi những kỹ năng sơ cứu khi hiking (Photo by Julia Zyablova on Unsplash)

1. Bị thương và chảy máu

Đường đi hiking không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Nhiều khi chỉ cần không để ý là những vật nhọn ven đường như cành cây, phiến đá, thậm chí là một chiếc lá cũng đủ khiến bạn xây xước. Với những vết thương không quá to, bạn có thể sát trùng chúng với dung dịch chuyên dụng. Sau đó, bạn dùng băng cá nhân để che chắn, tránh bụi bẩn cho vết thương. Với những vết cắt sâu hơn, miệng vết thương to hơn thì bạn cần dùng đến băng gạc y tế. Bạn hãy tham khảo các cách quấn băng khác nhau theo từng vị trí nhé.

Đối với trường hợp bạn bị chảy máu, điều quan trọng là phải cầm máu để đảm bảo cơ thể không bị mất máu quá nhiều. Một cách cầm máu tạm thời là dùng ngón tay ấn vào động mạch trên đường đi của chúng tới vị trí vết thương và băng bó để máu đông lại. Nếu máu phụt ra thành tia mạnh thì cần garô bằng dây chun ở phía trên miệng vết thương, ngăn không cho máu chảy từ trên xuống. Đặc biệt, cây sặt (loài cây giống tre, nứa) rất phổ biến và dễ nhận dạng trong rừng Việt Nam. Bạn có thể cạo phần màu xanh bên ngoài thân cây sặt, tre, nứa và rắc lên vết thương để cầm máu nhé.

dung-bang-y-te-de-xu-ly-nhung-vet-thuong

Dùng băng y tế để xử lý những vết thương (Photo by Diana Polekhina on Unsplash)

2. Bong gân

Bong gân là tình trạng phổ biến do vận động quá mạnh hay vận động sai cách. Đó là hiện tượng các dây chằng – dải mô sợi nối liền hai xương bị kéo dãn hoặc bị đứt. Thông thường, bong gân có thể điều trị mà không cần đến bệnh viện làm phẫu thuật.

Dấu hiệu của bong gân là cảm thấy các khớp đau nhức, sưng to, bầm tím và không thể cử động hoặc chịu lực như bình thường. Để chữa bong gân, bạn nên nghỉ ngơi ngay khi phát hiện chấn thương. Hãy dùng đá để chườm lên khu vực bị đau, kê cao vị trí chấn thương và tránh vận động mạnh.

Bong-gan-do-van-dong-sai-cach

Bong gân do vận động sai cách (Photo by Erwans Socks on Unsplash)

3. Trật khớp

Giống như bong gân, trật khớp cũng thường xảy ra tại các khớp do chấn thương đột ngột  khi hiking. Đây là tình trạng đầu xương bị tác động khiến chúng bị lệch khỏi vị trí thông thường. Khi bị trật khớp, phạm vi vận động của khu vực chấn thương bị hạn chế. Bạn cảm thấy đau dữ dội, sưng tím vùng bị trật và có thể cảm nhận được đầu xương lồi ra. Điều trị trật khớp phức tạp hơn một chút vì cần nắn khớp trở lại vị trí ban đầu. Việc này cần những người có chuyên môn như bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Các bác sĩ khuyến cáo bạn không nên vận động khi bị trật khớp. Hãy cố định vùng bị chấn thương và có thể chườm lạnh để giảm sưng. Nếu cảm thấy vẫn đau và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám nhé.

4. Chuột rút

Nếu như bắp chân hay bàn chân của bạn bị co thắt mạnh, đau dữ dội và không thể cử động được, rất có thể bạn đang bị chuột rút. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là cơ thể bị mất nước, các chất khoáng và các chất điện giải khi vận động với cường độ cao. Do đó để hạn chế trường hợp này, đừng quên thường xuyên bổ sung nước uống trong lúc hiking nhé. Khi bị chuột rút, bạn hãy chườm nóng để tăng lưu thông máu đến khu vực. Ngoài ra, làm căng cơ cũng có tác dụng điều trị chuột rút nhanh chóng. Ví dụ bị chuột rút ở bắp chân, bạn hãy đứng thẳng người, nâng gót chân lên cao và giữ im trong 30 giây. Tình trạng chuột rút sẽ thuyên giảm nhanh chóng.

5. Gãy xương:

Gãy xương là tình trạng xương bị ngoại lực tác động dẫn đến xương bị rạn hoặc bị gãy, làm mất khả năng vận động bình thường. Gãy xương gồm 3 loại: gãy xương kín (vùng da bên ngoài không bị ảnh hưởng), gãy xương hở (da bên ngoài bị rách) và gãy xương lún (hai xương chèn ép nhau). Nếu xương bị gãy, những cơn đau truyền đến có thể khiến cơ thể bị sốc, mất máu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, tổn thương xương khớp này nên được xử lý kịp thời. Điều cần ưu tiên khi xử lý vết thương do gãy xương là chống sốc bằng cách giảm đau, cầm máu và bù nước. Tiếp đến là cố định xương gãy và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

Cố định xương bao gồm dùng nẹp và băng nhằm làm bất động của khu vực tổn thương, tránh lệch xương, ảnh hưởng đến các mô cơ, mạch máu xung quanh. Nẹp và bộ phận bị tổn thương cần được buộc lại một cách chắc chắn nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái cho vùng bị tổn thương.

6. Vết cắn do động vật, côn trùng

Vet-can-do-dong-vat-con-trung

Photo by Angela Handfest on Unsplash

Môi trường tự nhiên là nơi sinh trưởng của rất nhiều loài vật từ côn trùng nhỏ bé đến những loài động vật to lớn. Những vết cắn của chúng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chuyến hiking của bạn. Một trong số đó là vết thương do ong đốt. Để xử lý vết ong đốt, bạn hãy loại bỏ kim đốt trên da, bôi thuốc giảm đau hoặc chườm lạnh để bớt sưng nhé. Tương tự với các loài côn trùng khác, bạn nên mang theo các loại thuốc bôi chống côn trùng, thuốc giảm đau và chống ngứa nhé.

Nếu là vết thương do rắn gây ra, bạn hãy thật bình tĩnh quan sát con rắn và vết cắn để xem rắn có độc không. Nếu rắn không độc thì dấu cắn chỉ có hai hàm răng khá đều còn rắn độc thì trên vết cắn sẽ có thêm 2 dấu răng độc to và sâu hơn. Để tránh nọc độc lan rộng sang các bộ phận khác, bạn tuyệt đối không cử động vết thương và dùng chun hoặc vải để buộc thật chặt. Lưu ý không dùng miệng để hút nọc độc ra vì sẽ làm tăng khả năng lan độc lên não nhanh hơn. Cuối cùng là di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

7. Say nắng và mất nước

Thời tiết nắng nóng gay gắt dễ khiến các hiker bị say nắng hay bị mất nước. Dấu hiệu của say nắng là đổ mồ hôi trộm liên tục, gương mặt tái nhợt, cảm giác choáng váng đầu óc. Nếu như bạn không ngồi nghỉ ngay thì có thể sẽ ngất xỉu. Khi bị say nắng, bạn cần tìm một nơi có bóng râm, nằm ngửa, kê cao chân. Bạn hãy lau cơ thể bằng khăn ướt, quạt mát, chườm lạnh để hạ nhiệt. Khi cơ thể tỉnh táo hơn, hãy ngồi dậy và uống từng ngụm nước nhỏ để bù nước. Hãy tập hít thở thật sâu, thật chậm rãi để ổn định cơ thể nhé.

Nếu như bạn cảm thấy cổ họng khát khô, đầu óc choáng váng, tay chân lạnh, môi và da khô thì có thể bạn đang bị mất nước. Hãy ngồi nghỉ ngay lập tức và bổ sung nước cho cơ thể (đặc biệt là các loại nước khoáng). Bạn hãy lưu ý là luôn mang đủ nước cho cả hành trình hiking cũng như có sẵn những dụng cụ để lọc và đun nước khi cần thiết nhé.

Say-nang-va-mat-nuoc

(Photo by Toa Heftiba on Unsplash)

8. Ngạt nước

Trên hành trình hiking, nếu gặp người không may bị ngạt nước, bạn phải mau chóng đưa nạn nhân lên bờ để hô hấp nhân tạo. Hãy đặt người đó nằm ở nơi thoáng đãng, đầu hơi ngửa ra sau, nới rộng quần áo để đường thở được thông thoáng. Bạn hãy kiểm tra và lấy dị vật ra khỏi đường thở cũng như miệng nạn nhân. Sau đó dùng một tay bịt mũi, tay kia mở miệng nạn nhân và thổi ngạt 2-3 hơi liên tục. Nếu thấy không có mạch đập, bạn dùng hai tay chồng lên nhau, ép lên lồng ngực ngoài tim nạn nhân khoảng 100 lần/phút. Kiên trì lặp lại 2 bước liên tục cho đến khi tim đập và nạn nhân thở trở lại.

 

Trên đây chỉ là một vài trong số vô vàn các trường hợp chấn thương mà ta có thể gặp trên đường hiking. Hy vọng những phương pháp mà Tổ Ong chia sẻ có thể giúp ích cho bạn trong chuyến đi của mình. Tổ Ong luôn đặt sự an toàn của bạn lên hàng đầu. Đội ngũ hướng dẫn viên của Tổ Ong đã được những chuyên gia Survival Skill Vietnam đào tạo về kỹ năng sinh tồn, sơ cấp cứu và được chuyên gia leo núi Phan Thanh Nhiên đào tạo các kỹ năng thể thao mạo hiểm. Đừng ngần ngại hiking cùng Tổ Ong để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm nhé.

 

 

Gợi ý bạn đọc:

Tham khảo Tour Hikking Thác K50 – Thác Hang Én – 2 Ngay 1 Đêm tại Tổ Ong Adventure

Hiking thân thiện với môi trường

8 trải nghiệm nhất định phải thử khi đến thác K50