Hiện tại Tổ ong Adventure đã có website phiên bản mới, để tăng trải nghiệm sử dụng, truy cập Tại Đây

Tổ Ong Adventure

Khám phá hệ sinh thái của vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Giữa lòng thành phố hoa lệ, đã có khi nào bạn muốn tìm kiếm chút gì trong trẻo của thiên nhiên? Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà với vẻ đẹp ban sơ, hùng vĩ chắc chắn sẽ không làm bạn phải thất vọng. Hãy cùng Tổ Ong khám phá thiên nhiên Bidoup Núi Bà nhé.

Bước chân vào thế giới tự nhiên

Bước chân vào thế giới tự nhiên

1. Sơ lược về vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

VQG Bidoup Núi Bà (huyện Lạc Dương và Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Vườn có diện tích 64.800ha, được đặt theo tên hai ngọn núi cao nhất ở Lâm Đồng là núi Bidoup (2287m) và Núi Bà (2167m). Là phần cao nhất về phía Nam của dãy Trường Sơn.

Từ khi thành lập đến nay, VQG vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình. Một là bảo tồn sinh học cho vùng cao nguyên Đà Lạt, Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Hai là phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông hồ vùng hạ lưu. Và ba là bảo tồn sinh cảnh rừng nguyên sinh, các đặc trưng văn hóa bản địa để phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái và củng cố an ninh quốc phòng.

Những năm gần đây, các loại hình du lịch mạo hiểm như hiking, trekking thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Bidoup Núi Bà trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn.

Không gian bao la của Bidoup Núi Bà

Không gian bao la của Bidoup Núi Bà

2. Hệ sinh thái đa dạng

Nhìn trên bản đồ, VQG Bidoup Núi Bà có hình chữ U úp ngược, trải rộng hàng ngàn hecta. Do đặc điểm của địa chất, địa hình và khí hậu, Bidoup Núi Bà có các kiểu rừng đa dạng. Phía đông, đông bắc và một phần nhỏ phía tây nam là nơi rừng nguyên sinh tập trung. Chúng bao gồm rừng lá rộng thường xanh, rừng lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim và rừng thông ba lá. Khu vực còn lại là rừng thứ sinh với rừng hỗn giao tre nứa và tráng cỏ cây bụi. Nhờ sự phân hóa này mà tính đa dạng của hệ sinh thái nơi đây rất rõ rệt. VQG Bidoup Núi Bà là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.

Thực vật

 

Rừng thông lung linh dưới ánh nắng tại Bidoup Núi Bà

Rừng thông lung linh dưới ánh nắng

Bidoup Núi Bà hiện là nhà của hơn 2000 loài thực vật với 96 loài đặc hữu. Trong đó có 62 loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ như thông hai lá dẹt, thông đỏ, bách xanh, đỉnh tùng… Đặc biệt, thông hai lá dẹt là loài cây cổ và chỉ có duy nhất tại Việt Nam. Bidoup Núi Bà là nơi sinh trưởng của trên dưới 1000 cá thể thông hai lá dẹt. Có cây thân to đến 2m. Chúng sinh trưởng rất chậm. Một năm, thân của chúng chỉ tăng thêm 1mm đường kính. Như vậy để đạt được đường kính 2m, chúng đã trải qua hàng ngàn năm phát triển.

Đặt chân đến vườn vào những tháng đầu năm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh tượng muôn hoa khoe sắc. Dọc đường đi là những đóa đỗ quyên mong manh trong hơi sương. Đồng thời đây là nơi hội tụ đủ rất nhiều loài phong lan hiếm có với 297 loài.

Bidoup Núi Bà cũng là thế giới của các loài nấm. Hiện nay, người ta ghi nhận trong khu vực có 81 loài nấm lớn. Trong đó, 3 loài có tác dụng dược liệu, 13 loài nấm ăn được, 5 loài nấm độc và 60 loài nấm còn lại chưa rõ công dụng. Nấm lưỡi bò và nấm đầu khỉ là hai loài nấm quý hiếm theo Sách Đỏ Việt Nam.

Một số loại nấm tại Bidoup Núi Bà

Một số loại nấm tại Bidoup Núi Bà

Động vật

Bidoup Núi Bà có tới 548 loài động vật có xương sống. Trong đó có 75 loài thú với gần như đầy đủ các bộ: Ăn thịt, Có vòi, Linh trưởng và Guốc chẵn. Rất nhiều loài có tên trong sách đỏ thế giới như voi, hổ, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, báo hoa mai, bò tót…

Mảnh đất này còn được xem là “Vùng chim quan trọng của thế giới” với 301 loài đã được ghi nhận. Nhiều loài chim chỉ có ở Cao nguyên Đà Lạt có thể kể tên là khướu đầu đen, bồ câu nâu, trèo cây mỏ vàng, khướu mỏ dài, trĩ sao, mi Langbian… Các loài chim cần quan tâm bảo tồn ở vùng Bidoup Núi Bà còn có thêm gà lôi hông tía, chích chòe lửa, vẹt ngực đỏ. Hai loài bị đe dọa theo sách đỏ thế giới là hồng hoàng, hồng chanh rừng.

Đi trong rừng, các trekker dễ dàng bắt gặp loài bạc má bụng vàng. Chúng sống chủ yếu trong các cánh rừng, gần nương rẫy trồng trọt. Gần các dòng suối là loài đuôi đỏ đầu xám và chích chòe nước trán trắng. Hay loài sẻ thông họng vàng với cái tên Vietnamese Greenfinch để biểu thị đây là loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng có thân hình nhỏ xíu với bộ lông đen phối vàng.

Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, khu bảo tồn này mà còn có vai trò to lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học thế giới.

3. Đi trek xuyên rừng cùng Tổ Ong

 

Về với thiên nhiên, người ta bất giác trở nên trầm tư, sâu sắc hơn. Rảo bước trên thảm lá khô, ta cảm nhận hơi sương lành lạnh lướt qua từng vùng xúc giác. Từng cành cây nhánh lá căng tràn nhựa sống, rung rinh khi gió lướt qua như nàng thơ cười khúc khích. Chim muông thi nhau ríu rít, giành mồi trên những tán cây. Tiếng vượn gọi bầy hòa vào khúc ca của đại ngàn. Quả thật tâm hồn phải thật lắng đọng để nghe hiểu tiếng rừng thầm thì bên tai.

Khi đi trek cùng Tổ Ong, bạn sẽ được trải nghiệm cắm trại trên núi cao, đón mây mù buổi sớm, check in trên mỏm đá sống ảo hay khám phá các dốc rừng nguyên sinh.

Một điều cần lưu ý là các trekker phải giữ nguyên hiện trạng của VQG. Hãy tự hứa với lòng mình rằng bạn sẽ chẳng lấy đi thứ gì thuộc về nơi đây ngoại trừ những kỷ niệm, chẳng để lại gì nơi đây ngoại trừ những bước chân. Hãy có ý thức để rừng mãi vẹn nguyên như bao ngàn năm qua.

Con-người-nhỏ-bé-giữa-thiên-nhiên-hùng-vĩ-khi-đi-bidoup-Núi-Bà

Con người nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ

Trekking tại Bidoup Núi Bà cần có sự cho phép của cơ quan chức năng và hướng dẫn của những người có kinh nghiệm. Rừng tuy nên thơ đấy nhưng tràn ngập những hiểm nguy. Nếu bạn có ý định chinh phục mảnh đất này, hãy để Tổ Ong làm người đồng hành với bạn. Tổ Ong tin đội ngũ hướng dẫn viên dày dạn kinh nghiệm và giàu kỹ năng của mình sẽ giúp hành trình Bidoup Núi Bà của bạn thật trọn vẹn.

 

Gợi ý bạn đọc:

Tham khảo tour Trekking BI-DOUP Núi Bà tại Tổ Ong Adventure

9 trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đi Đà Lạt

Bỏ túi bí kíp pack đồ đi tour trekking Lảo Thẩn